Bài dự thi
Gương điển hình tiên tiến “Người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước quận Hoàn Kiếm năm 2021
LỜI NÓI ĐẦU
Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”
Những câu thơ ấy cứ ngân vang trong tôi. Dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Mỗi một thầy cô giáo đều tự hào về con đường mình đã chọn và luôn luôn cố gắng trau dồi, học hỏi để trở thành người giáo viên chân chính.
Chúng tôi, những giáo viên của trường THCS Thanh Quan thấy mình thật may mắn khi được gắn bó với ngôi trường có bề dày lịch sử. Suốt những năm qua, nhà trường đã có rất nhiều cố gắng, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện, đẩy mạnh việc thực hiện ba cuộc vận động lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhiều thầy cô giáo đã được công nhận là những tấm gương “Người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến của quận Hoàn Kiếm. Tất cả họ, mỗi người một vẻ, tỏa hương sắc muôn màu. Đó là cô giáo Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Tú Anh giàu nghị lực, là cô giáo đầy tâm huyết Trần Hải Yến, là người thầy năng động Nguyễn Huy Tấn… Và có một bông hoa vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ dâng cho đời khiến tôi cảm phục. Bông hoa đó chính là cô giáo Bùi Thị Chung, giáo viên tổ Tự nhiên, trường THCS Thanh Quan chúng tôi.
Trường chúng tôi có một người đồng nghiệp giản dị, ấm áp như thế
Chị mộc mạc, giản dị đến vô cùng. Những ngày đầu mới về trường, tôi gặp chị, và tôi đã rất ngạc nhiên. Chị với ánh mắt sáng trong, gương mặt mộc không son phấn nhưng rạng ngời, mái tóc tự nhiên buộc gọn gàng đang cặm cụi chấm bài, sửa bài cho học sinh. Mười năm về trường, mười năm được cùng chị làm việc, tôi thấy chị vẫn giữ nguyên nét chân phương ấy. Chị sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, năm 2010 thì chuyển về Thanh Quan làm việc, sinh sống bên quận Long Biên. Phải chăng ba mươi năm gắn bó với mảnh đất Thái Bình hồn hậu ấy đã hun đúc nên con người chị, dù cuộc sống phố thị có quay cuồng vội vã thì bản chất chân thật, mộc mạc của chị vẫn không hề thay đổi.
Nét cười hiền lành, dễ mến của chị
Thật vậy, chị đối đãi với đồng nghiệp bằng tấm chân tình. Anh chị em trong trường ai cũng quý mến chị. Bởi trong cuộc sống, từng cử chỉ, lời nói của chị đều gần gũi thân thiện, không màu mè, hoa mĩ. Ngần ấy năm ở trường, tôi chưa từng thấy chị to tiếng với ai. Chị luôn lắng nghe những tâm sự, chia sẻ của đồng nghiệp, cảm thông sâu sắc và đưa ra những lời động viên, khích lệ, những góp ý chân thành nhất. Ai có gì cần giúp đỡ, chị đều không ngần ngại. Với chị, anh chị em trong trường không chỉ là đồng nghiệp, mà là những người trong một gia đình. Chị luôn nhường nhịn, chia sẻ và quan tâm mọi người. Chính vì thế mà có lúc chị sẵn sàng nhận thêm phần việc về mình để tạo điều kiện cho đồng nghiệp. Tôi còn nhớ như in, hồi đầu tháng 7/2020, tôi được cử đi học lớp bồi dưỡng Đảng viên mới, khi ấy lòng tôi biết bao lo lắng. Bởi học sinh lớp 9A1 do tôi dạy Văn (chị dạy Toán và làm chủ nhiệm), đang vào thời kì ôn thi nước rút. Mười ngày tôi đi học, cũng là mười ngày ôn cuối cùng của học sinh. Bộn bề là thế, nhưng may thay, năm ấy, tôi được dạy cặp cùng chị. Biết việc của tôi, chị bảo luôn: “Em yên tâm đi học, chị sẽ vào lớp thay em, rồi em về dạy lúc nào chị sẽ nhường lại giờ cho em. Có nội dung nào cần kiểm tra, em cứ báo cho chị, chị cùng ôn và kiểm tra với học sinh.” Thế đấy, chị sẵn sàng thay đổi lịch làm việc vì để giúp tôi. Nhờ có chị, cả tôi và học sinh đều thấy yên tâm rất nhiều.
Chị Chung cùng các đồng nghiệp trong tổ Tự nhiên
Trường chúng tôi có một cô giáo tận tâm như thế
Chị đến với học sinh bằng lòng nhiệt huyết, bằng cái tâm với nghề, với người. Chị sinh năm 1978 trên mảnh đất Thái Bình cần cù. Chị chăm học chăm làm. Ngay từ nhỏ, chị đã có ước mơ thật giản dị là được làm cô giáo, được đứng trên bục giảng để dìu dắt những em thơ. Năm 1997, sau khi hoàn thành Trung học phổ thông chị tham gia dự thi và đỗ vào khoa Toán - Hóa, trường Cao đẳng Sư phạm, tỉnh Thái Bình. Sau ba năm miệt mài học tập và rèn luyện chị tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Giỏi. Hạnh phúc ngập tràn khi chị được nhận công tác và chính thức là giáo viên giảng dạy môn Toán ngay tại xã nhà - nơi mà chị đã gắn bó cả tuổi thơ của mình, nơi đã khơi lên trong chị ước mơ âm thầm mà cháy bỏng. Đến đầu năm 2010, sau bao năm sống và làm việc xa chồng, chị chuyển về dạy tại Trường THCS Thanh Quan – 29 Hàng Cót – Hàng Mã – Hoàn Kiếm – Hà Nội. Vốn ham học hỏi, không tự bằng lòng với những gì mình đã đạt được nên chị luôn cố gắng tự học để trau dồi chuyên môn, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp để tích lũy thêm tri thức, những phương pháp dạy hay, phù hợp với trò. Chị đóng vai là học sinh, chị tham khảo ý kiến của chính các em để tìm ra cách giảng vừa hay vừa dễ hiểu. Có những hôm, tôi thấy chị đang cặm cụi làm Toán. Thấy lạ, nên tôi hỏi, chị mỉm cười trả lời: “ Cô giáo cũng cần học em à. Có như vậy, chị mới tự tin giảng bài cho học sinh được.” Và quả thật, chị như có sức hút kì lạ, cứ vào tiết Toán của chị, học trò ai nấy đều hăng say, miệt mài. Chị giảng bài rất dễ hiểu, rất thực tế và cũng rất sinh động khiến các trò như bị cuốn vào. Những lúc trò làm bài, chị đi đến từng bàn, kiểm tra, chữa bài, giảng giải cho từng em. Cứ trống giờ, trống tiết là học sinh lại mang Toán của chị ra làm, chúng làm với niềm yêu thích thực sự. Mãi sau được dạy cùng lớp, tôi mới phát hiện một trong những bí quyết của chị khiến học trò ai cũng thích thú môn Toán. Chị miệt mài chấm bài và sửa bài, chị không tiếc điểm cao để dành cho các con. Có những học sinh, sau một ngày học mà giành được tận ba hay bốn điểm 9,10 môn Toán. Rồi cuối tuần, cuối tháng chị lại cặm cụi chia điểm trung bình, xếp thứ, tuyên dương và thưởng. Việc ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng khá mất thời gian.
Một giờ học Hóa học lý thú
Vậy mà suốt bao nhiêu năm nay, chị vẫn chăm chỉ làm. Nhờ phương pháp ấy, các lớp 9 của chị năm nào cũng đạt kết quả rất cao, nhiều em thi đỗ vào các trường lớn như Phan Đình Phùng, Việt Đức, Trần Phú…
Cả trường tôi ai cũng nhớ lớp 9A4 (niên khóa 2015 – 2019) do chị dạy Toán và làm chủ nhiệm. Chị đón lớp khi các con lên lớp 8. Năm ấy, chị trăn trở mãi: “ Các con lên lớp 8 rồi, mà hình học nhiều em không biết vẽ hình cơ bản, đại số thì làm sai liên miên. Chị không biết bắt đầu từ đâu”. Tôi thấy trán chị khẽ nhăn lại. Chúng tôi cũng biết, thật vất vả cho chị, vì trong lớp nhiều cháu học yếu, hiếu động. Rồi thì sau hôm đấy, tôi không thấy chị nói thêm gì về lớp, nhưng hầu như ngày nào tôi cũng thấy chị cặm cụi soạn hệ thống bài tập riêng cho lớp, và ngày nào, chị cũng về muộn, bất kể ngày nắng hay ngày mưa để kèm cho học sinh. Chị kiên trì, nhẫn nại với từng học sinh, dù có mệt đến đâu cũng không bỏ cuộc. Mỗi ngày, các trò lại dần tiến bộ, cảm hiểu được tấm lòng cô giáo nên càng yêu thích môn Toán. Kết thúc khóa học, các trò 9A4 đã vượt lên được chính mình, đạt kết quả cao. Còn chúng tôi lại càng cảm phục chị, người giáo viên tận tụy, hết lòng vì học trò.
Lớp 9A4 đã trưởng thành nay về thăm cô
Cũng tại mái trường Thanh Quan, chị còn là người thầy “đặc biệt” với các trò. Ai cũng công nhận, chị là một giáo viên chủ nhiệm giỏi, người giáo viên chủ nhiệm có “tâm”. Đối với chị, trường, lớp học chính là ngôi nhà thứ hai, các đồng nghiệp cùng các em học sinh thân yêu chính là gia đình lớn của chị. Thế nên chị vẫn thường cười vui và nói: “Chúng (tức các em học sinh) là con tôi đấy.” Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, chị tích góp được nhiều kinh nghiệm hay, nhưng lúc nào chị cũng tâm niệm một điều: “Học sinh lứa tuổi cấp 2 rất nhạy cảm, sự nghiêm khắc kỉ luật quá độ sẽ làm các em thu mình thậm chí chống đối giáo viên. Yêu thương, chia sẻ và lắng nghe mới là cốt lõi của giáo dục”. Chị giáo dục các con bằng tình yêu thương, bằng sự quan tâm, bằng nỗi lo của một người mẹ. Vì vậy, chị bám lớp, bám trường lắm. Tuần sáu ngày, chị không nghỉ ngày nào, dù đó là ngày chị được nghỉ. Sáng nào chị cũng đến sớm, quan sát tình hình lớp, hướng dẫn các con thực hiện các hoạt động trong ngày và hỗ trợ các con khi cần. Có những hôm đến trường, chị phờ phạc, khuôn mặt hốc hác vì ốm mệt. Ai hỏi sao chị không xin nghỉ, chị chỉ khẽ cười nhẹ. Mọi người cũng biết, chắc chị sợ mất giờ dạy, các con mất nếp học, và cũng biết chắc bởi chị không an tâm khi không nhìn thấy lớp. Với học trò, chị không chỉ là cô giáo, mà còn là người bạn lớn, chúng yêu, chúng mến. Chị thường rất kiên trì, nhẫn nại, chị thủ thỉ với các con như những người bạn để nắm được hoàn cảnh của từng con, hiểu được sở thích, cá tính, cả những vướng mắc, những nỗi bực dọc…Chị dạy bảo, uốn nắn trò từ cách đi, dáng đứng, từ cách nói năng đến cách ăn mặc, thậm chí từ những cái nhỏ nhất như cách gấp chăn sao cho thật vuông vắn, lấy nước uống sao cho vừa đủ… Chị dạy bằng chính hành động của mình hằng ngày, bằng những câu chuyện của chính các con hay những câu chuyện thực được chia sẻ trên báo chí. Chưa dừng lại ở đó, chị còn tổ chức nhiều hoạt động để kết nối các con. Đó là “Đôi bạn cùng tiến”, là “Chuyên gia tư vấn”,…và đặc biệt nhất là “Những cánh thư”. “Những cánh thư” giữa trò với trò, “Những cánh thư” giữa cô với trò, những cánh thư động viên chia sẻ, những cánh thư giải tỏa nỗi lòng, những cánh thư xin lỗi…
Những tin thư giữa cô và trò 9A1
Những lúc thấy tinh thần lớp có gì đó bất thường, chị cho cả lớp viết “thư” gửi cô. Và chị đọc hết, đọc để hiểu. Từ đó chị biết mình cần làm gì và bắt đầu từ đâu để giải quyết vấn đề. Chị dành cho các con niềm tin, chị cùng làm, cùng sửa chữa với các con, thậm chí cùng cười, cùng khóc với chúng. Cứ cuối tuần, cuối tháng, chị lập bản tổng kết tuần rất chi tiết, cụ thể, xem trong tuần đó, học sinh làm được bao nhiêu việc tốt, được bao nhiêu điểm cao, hay còn mắc những lỗi nào. Chị tuyên dương, khích lệ các con, nếu học sinh nào có tiến bộ nhanh, chị sẵn sàng thưởng “nóng” cho các con. Để giúp các con phát triển bản thân, chị còn giao cho từng học sinh những nhiệm vụ cụ thể. Chính tình cảm chân thành, sự dạy bảo và hướng dẫn tận tình của chị mà các con lớp chị chủ nhiệm rất tình cảm, luôn quý mến nhau, yêu trường lớp. Các con dẫn lớn lên biết bảo ban, đoàn kết, yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Nếu lớp học bẩn, các con tự thay nhau quét dọn, bạn nào chưa hiểu bài, các con tranh thủ giảng cho nhau, …Các bậc phụ huynh luôn ủng hộ cô giáo bởi họ biết cô yêu thương và luôn vì các con. Học trò cũ vẫn thường nhớ về chị với một tình cảm đặc biệt. Các con về trường thăm chị. Về để được gặp cô, được cùng cô trò chuyện, để được tìm về với những ngày thơ ấm áp. Về để lại được nghe lời cô dạy, được khoe sự trưởng thành của mình. Ngày khai trường mỗi năm hay những ngày lễ lớn, học trò lớp chị nô nức tìm về, trong ánh mắt ai tràn ngập niềm vui . Gôlôbôlin đã từng nói “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”.
Biết bao những thế hệ học sinh của chị đã ra trường, các em không chỉ có hiểu biết, có tri thức mà quan trọng hơn hết là có một nhân cách tốt. Thấy những lứa học trò của mình ngày càng trưởng thành như thế, chị vui lắm chứ. Hạnh phúc của người giáo viên là đây. Cũng từ đây, chị càng thêm yêu nghề, yêu trò, càng có động lực phấn đấu để ngày ngày lại tiếp tục cần mẫn bên với những con chữ. Chị đến với trò bằng cái tâm, và nhận lấy được tấm lòng của trẻ. Chính cái tâm mát lành của chị đã khơi mở biết bao tâm hồn đẹp, đã kết nối tình bạn, tình thân, tình thầy trò.
Học trò 9A1 về thăm cô
Ở trường, chị được mọi người quý mến không chỉ bởi sự mộc mạc, giản dị, chân thành mà còn bởi sự nghiêm túc, tỉ mỉ trong công việc. Chị không nề hà trước bất cứ một nhiệm vụ nào mà trường, tổ nhóm chuyên môn phân công. Nhận công việc, chị luôn cố gắng hoàn thành nó một cách tốt nhất, biết lắng nghe mọi người để học hỏi và làm tốt hơn. Cứ như thế, chị được mọi người tin tưởng, tín nhiệm. Trong Hội nghị cán bộ, viên chức năm 2016 chị được bầu vào Ban thanh tra nhân dân với số phiếu gần tuyệt đối (58/59). Kể từ đó đến nay, chị là Trưởng ban thanh tra nhân dân của chúng tôi. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ với một nhiệm vụ mới, còn chưa biết viết biên bản thế nào, chưa biết lập kế hoạch ra sao thì đến nay chị đã làm thành thục, hiệu quả, được cấp trên dành nhiều lời khen, có nhiều ý kiến, đóng góp để xây dựng trường ngày càng tốt hơn. Trong công tác thi đua chị tích cực tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi do nhà trường và các cấp tổ chức:
+ Nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến.
+ Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
+ Sáng kiến kinh nghiệm các cấp Quận và Thành phố.
+ Đạt giải Nhì cuộc thi Giáo viên dạy Giỏi môn Hóa học cấp Quận,
+ Chủ nhiệm Giỏi nhiều năm.
+ Có nhiều học sinh đạt học bổng Bà huyện Thanh Quan
Tham gia công tác phòng dịch Covid 19
Chị là Trưởng ban Thanh tra nhân dân
Những danh hiệu cao quý mà chị đã đạt được
Những con người như chị đã góp phần làm đẹp thêm mái trường Thanh Quan – ngôi trường nhỏ nhưng thân thiện, ấm áp.
Chị là một người con, một người mẹ, một người vợ tuyệt vời
Ở nhà, chị là người mẹ, người vợ hiền, người con dâu thảo, người chị đáng kính. Chị lập gia đình cùng anh Hoàng Ngọc Phan năm 2004. Cuộc sống những ngày đầu nhiều khó khăn. Anh hay đi công tác xa nhà. Hai đứa con chị lần lượt ra đời. Chị vừa chăm con, vừa giúp bố mẹ chồng. Nếu như người ta vẫn hay e ngại chuyện bố mẹ chồng nàng dâu, thì ở nhà chị lại khác. Chị hay kể với chúng tôi về bố mẹ chồng, nói họ là những người đáng trân quý, vừa hiền lành lại luôn thương yêu con cháu. Và chắc bố mẹ chồng chị cũng thương chị lắm. Chẳng thế mà, tháng nào, ông cũng đi xe máy từ Thái Bình lên thăm con cháu, mang bao nhiêu rau cỏ, trứng, gà. Những món quà quê giản dị mà ấm áp. Còn chị, cứ ngày lễ tết, chị lại tranh thủ đưa con cái về quê thăm ông bà. Nhớ những ngày đầu mới lên Hà Nội, bốn người nhà chị sống trong một căn nhà trọ khoảng hơn 20 mét vuông. Anh vẫn hay đi làm xa, một mình chị vừa chăm sóc, dạy dỗ hai con, vừa cố gắng hoàn thành công việc. Sau việc ở trường, chị tất tả về nhà, đón con, lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Dù bận rộn đến đâu, chị cũng dành thời gian dạy con học, trò chuyện cùng con. Hồi ấy, cứ vào mùa mưa bão, chị lo lắm. Vì nền nhà chị thấp, mưa to nước vào ngập cả trong nhà. Có lần, chị phải tát nước từ trong nhà ra ngoài. Công việc của anh nhiều khi gặp khó khăn, chị tích góp từng đồng giúp chồng. Những vất vả ấy, chưa một lần chị kêu than, vẫn tận tâm chăm sóc con cái, chia sẻ cùng chồng. Biết chồng con thích ăn canh cua, chị thường xuyên mua về, nhặt từng con, rửa sạch. Muốn bát canh ngon hơn, chị cẩn thận giã tay, lọc thật kĩ. Thấy vợ chịu thương chịu khó, anh chí thú làm ăn, rồi cuộc sống gia đình cũng ngày càng ổn định. Hơn mười năm sau ngày ra Hà Nội, anh chị đã mua được mảnh đất, xây căn nhà nhỏ, cả nhà cùng quây quần. Dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, hai con chị giờ đây đều cao lớn, học hành tự giác, chăm chỉ, được thầy yêu bạn mến. Dù là những ngày còn khó khăn hay bây giờ khi cuộc sống đã khá hơn, cứ hè đến, chị lại đón các cháu từ quê lên Hà Nội để trông nom, dạy dỗ, đỡ đần cho các em. Một mình chị chăm sóc năm, sáu đứa trẻ, lớn có, nhỏ có. Chị chăm ăn, chăm uống, chăm cho các cháu học, đưa các cháu đi chơi đó đây. Mùa hè nào, nhà chị cũng rộn vang tiếng cười đùa. Chị tìm thấy niềm hạnh phúc từ chính trong những điều giản dị như thế.
Gia đình nhỏ luôn rộn vang tiếng cười của chị
LỜI KẾT
Tên của chị - Bùi Thị Chung, cái tên cũng thật giản dị, mộc mạc, đằm thắm như chính con người chị. Gặp chị, được làm việc, chia sẻ cùng chị tôi ngẫm ra được nhiều điều. Như Anbert Schweitzer đã nói “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn”, chị đã tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình. Chị vẫn bình lặng như bao ngày, nhưng tôi đã thấy ngọn lửa yêu đời, yêu người, yêu nghề trong ánh mắt, nụ cười, trong công việc và cuộc sống hàng ngày của chị. Chị đã lặng lẽ trao tặng cho chúng tôi những tình cảm bình dị, đẹp đẽ nhất.
Thế đấy, đâu cần đi tìm kiếm xa xôi, cuộc sống quanh ta vẫn luôn có những con người rất bình dị nhưng những con người ấy khi gặp rồi ta sẽ nhớ mãi không quên. Họ mang đến cho đời thứ hương thơm thanh khiết, nhẹ nhàng. Chặng đường phía trước còn dài, chúc chị thật nhiều sức khỏe để tiếp tục lan tỏa yêu thương và được yêu thương nhiều hơn nữa.
Cảm ơn chị - một người giáo viên chân chính đã gieo nên những mầm sống tích cực cho đời !
Hoàn Kiếm, tháng 02 năm 2021 Người viết
Trần Thị Thanh Huyền
Cập nhật: Ngày 18 tháng 10 năm 2021
Nguồn: THCS Thanh Quan - Trần Thị Thanh Huyền