Nhân ngày sinh nhật Bác Hồ, bằng lòng kính yêu chúng em xin đại diện cho học sinh lớp 7A3 giới thiệu cuốn sách hết sức ý nghĩa bồi dưỡng tâm hồn ta một tấm lòng yêu nước và giúp ta hiểu thêm về cuộc đời vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Cuốn sách mang tên “Búp sen xanh”.
Ca ngợi Bác Hồ, ca dao Việt Nam có câu “Tháp mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ ”; “Búp Sen xanh”- cuốn sách đầu tiên làm sáng tỏ quãng thời gian tuổi thơ của Bác Hồ, từ khi mới lọt lòng nơi chùa Sen, đến khi đã dứt áo ra đi tìm đường cứu nước nơi xứ người. Chúng ta được đi qua những thăng trầm đầu tiên cuộc đời của cậu bé Nguyễn Sinh Côn, được chứng kiến chế độ phong kiến khủng khiếp của thực dân Pháp và tình cảnh khốn khổ của nhân dân lúc bấy giờ, cảm nhận được một tâm hồn ái quốc, dũng cảm nơi Nguyễn Tất Thành. Trong lòng chàng thanh niên trẻ này luôn cháy lên nỗi niềm mong mỏi nhìn thấy hòa bình trở lại một lần nữa trên mảnh đất do dân ta làm chủ, và quyết tâm giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi kiếp nô lệ. (Trên tay em là cuốn sách “Búp sen xanh”). Trang bìa sách gam màu xanh đậm, nổi bật biểu tượng bông sen cách điệu tượng trưng cho sự tinh tuý thanh cao đáng trân trọng nhất. Cuốn sách do nhà xuất bản Kim Đồng in và phát hành năm 2020. Sách dày 363 trang, khổ 12,5 x 20,5 cm. Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng (sinh năm 1928 tại Nghệ An, mất ngày 22 tháng 7 năm 2021 tại Hà Nội), là nhà văn Việt Nam với nhiều tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam. Bằng tất cả lòng kính yêu, ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Sơn Tùng đã dành trọn cả cuộc đời mình để nghiên cứu sưu tầm và viết về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ông đã viết nên những tác phẩm, trang văn giàu xúc cảm, lay động nhất về Bác Hồ, nổi bật nhất là tác phẩm “Búp sen xanh”.
Nhà văn Sơn Tùng
"Búp sen xanh" ra mắt năm 1982 là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên viết một cách trọn vẹn về thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tác giả dày công sưu tầm tư liệu có liên quan và chấp bút trong thời gian dài, bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành năm 1980. Trong quá trình đó, Sơn Tùng đã gặp được bà Lê Thị Huệ để rồi từ những câu chuyện với bà Huệ ở tuổi 80 ông đã tái dựng lại một trong những quãng đời gian khó, nhưng đẹp đẽ và thơ mộng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát hiện của Sơn Tùng đã mở ra một bước ngoặt, một cách tiếp cận hoàn toàn mới tới cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Tác phẩm được viết khoảng 300 trang khổ sách thông thường, được nhà văn chia làm 3 chương: "Thời thơ ấu", "Thời niên thiếu" và "Tuổi hai mươi". Những biến thiên của lịch sử, của gia đình nội ngoại hai bên và quá trình định hình nhân cách, ra đi tìm đường giải phóng dân tộc của vĩ nhân Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành trong khoảng 20 năm, cuộc chia tay trên Bến Nhà Rồng ngày 5 tháng 6 năm 1911 giữa Út Huệ và Nguyễn Tất Thành. Trong “Búp sen xanh”, tác giả cũng đưa người đọc về với làng quê xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm. Theo bước chân của Bác Hồ khi còn thơ ấu với tên gọi Nguyễn Sinh Cung, đến khi trở thành một người thanh niên với tên Nguyễn Tất Thành, người đọc lại biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ, với đình Dương Nổ, trường Pháp-Việt Đông Ba, trường Quốc Học hay Bến Nhà Rồng, với tất cả những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói mỗi một vùng được thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tác phẩm “Búp sen xanh” đã đưa chúng ta đến với khía cạnh khác trong cuộc đời Bác Hồ kính yêu, đằng sau sự nghiệp vĩ đại và cống hiến to lớn của Người cho Tổ quốc; đưa ta đến nơi đã thắp lên tình yêu quê hương, đất nước. Là một tuổi thơ hạnh phúc, nhưng cũng đầy mất mát, khó khăn; là một cá tính hồn nhiên, trong trẻo nhưng cũng đầy ắp suy tư. Những câu hỏi về con người, về cuộc đời, về sự tồn vong của một đất nước, một dân tộc lần lượt được đặt ra trong quá trình dần lớn lên, dần trưởng thành của Nguyễn Sinh Côn. Nhà văn Sơn Tùng đã viết: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời.” Cũng như thế, chính khoảng thời gian tuổi thơ này đã khơi dậy trong lòng một cậu bé nhỏ tuổi một tâm hồn ái quốc. Nguyễn Sinh Côn sinh ra và lớn lên khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lăng và đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cậu bé Nguyễn Sinh Côn từ nhỏ đã lâm vào cảnh nghèo khó, túng thiếu, phải chịu đựng nỗi đau mất em và mẹ khi mới 11 tuổi. Được chứng kiến tình cảnh lam lũ, thống khổ của nhân dân dưới bàn tay bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp; được chăm sóc dưới bàn tay gia đình cậu bé – những nhà nho thời bấy giờ, gia đình có truyền thống hiếu học và ái quốc, đồng thời cũng được nhiều người thầy yêu nước dạy dỗ, Nguyễn Sinh Côn đã sớm có khát khao cứu nước, cứu dân; khát khao được làm công dân tự do của một đất nước tự do. Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ là một cậu thanh niên ham học, thông minh, chăm chỉ; mang trong mình một quyết tâm to lớn: tìm đường cứu nước, đem lại hòa bình, tự do cho Tổ quốc Việt Nam. Sau thời gian 10 năm sống ở Kinh đô Huế - trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước, tiếp xúc với nền văn hóa mới, với phong trào Duy Tân, đã cho Nguyễn Tất Thành nhiều hiểu biết mới. Nhìn lại các phong trào yêu nước như phong trào Cần Vương, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo; Phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu; Phong trào Đông Kinh nghĩa thục; cuộc khởi nghĩa Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo; cuộc vận động cải cách của cụ Phan Châu Trinh và phong trào chống thuế của nông dân Trung Kỳ. Anh rất khâm phục và coi trọng các bậc tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi theo con đường đó. Thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX và sự tiến bộ trong tư tưởng nơi xứ người đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi anh có một quyết định chính xác, táo bạo và dũng cảm là vượt trùng dương để tìm đường cứu nước nơi xứ người, cứu dân bằng 2 bàn tay trắng dựa vào trí óc và sức lực của bản thân Người ở tuổi 20 đầy khát vọng. Bên cạnh đó, chuyện tình cảm động của Anh Ba (Nguyễn Tất Thành) và Út Huệ mà theo lời của tác giả đây là nhân vật hoàn toàn có thật đã cho chúng ta một cách nhìn mới về nhân cách Hồ Chí Minh, rất chân thật, cảm động, có tình người. Nhà văn Sơn Tùng “thấy cây và thấy cả rừng”, thấy quả và thấy cả nhân, thấy cái vĩ đại nhưng cũng thấy cả những nét bình thường, gần gũi của Bác Hồ.
Dù đã hơn một phần tư thế kỷ được ấn hành, “Búp sen xanh” vẫn trở thành một trong những cuốn sách đạt lượng ấn bản kỷ lục ở nước ta với số lượng trên nửa triệu bản qua hơn 20 lần tái bản, chứng tỏ rằng cuốn sách vẫn giữ nguyên được giá trị vốn có của nó, một giá trị trường tồn, bất diệt. Mai sau, dù trong một tương lai rất xa, “Búp sen xanh” vẫn sẽ luôn được lưu giữ trong mỗi trái tim con người Việt Nam, như cất giữ nhân cách cao đẹp, tâm hồn vĩ đại, và lòng yêu nước cao cả của Người trong mỗi chúng ta./.
Nhóm HS lớp 7A3
Hồ Trọng Hiếu; Bùi Phương Anh; Hà Diệu Anh;
Nguyễn Hà Chi; Tạ Xuân Lộc; Nguyễn Thu Anh
Cập nhật: Ngày 12 tháng 2 năm 2022
Nguồn: THCS Thanh Quan