
Mỗi ngày đi qua, trên gương mặt cô đã hằn sâu bao nhọc nhằn, bao vất vả của đời thường, nhưng ánh mắt cô vẫn sáng lên một niềm tin, một tình yêu với nghề vô bờ bến.Cô từng tâm sự về lý do mình chọn nghề giáo: “Tôi vào trường Sư Phạm với một lý do vô cùng đơn giản là tôi rất mê đọc truyện. Tôi nghĩ rằng học văn sẽ có nhiều truyện để đọc. Và đối với tôi : thầy cô giáo là những con người mẫu mực, đáng kính trọng. May mắn là gia đình có nhiều người làm nghề giáo đã cho tôi những lời khuyên quý giá, trong đó có một câu tôi nhớ mãi : “ Con hãy yêu thương bọn trẻ thật lòng thì chúng cũng đối xử lại với con thật lòng”. Tôi đã làm theo lời khuyên đó đến tận bây giờ”. Cô Ánh Ngọc năm nay đã 52 tuổi, đến với nghề giáo cũng đã hơn 30 năm, quá trình công tác cũng như những thành tích mà cô đã đạt được cũng thật đa dạng và xứng đáng để lớp trẻ chúng tôi học tập và noi theo. Ra trường, cô được phân công về dạy học ở một trường thuộc vùng Kinh Tế mới tỉnh Lâm Đồng. Trẻ trung và đầy nhiệt huyết, cô đã tham gia phong trào “ánh sáng văn hóa”, dạy chữ cho đồng bào thiểu số. Sau đó, cô chuyển về dạy học tại trường Bổ túc cán bộ tỉnh Bạc Liêu, dạy những cán bộ lớn tuổi hơn mình rất nhiều. Đến bây giờ, họ vẫn luôn nhớ đến cô giáo “mi nhon” thủa nào, vẫn đến thăm cô mỗi khi ra công tác ở Hà Nội. Năm 1996, về trường THCS Thống Nhất, rồi chuyển sang trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, cô đã tham gia nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi, bồi dưỡng HSG, viết SKKN, dạy chuyên đề các môn : Văn, Sử, Công dân và luôn đạt thành tích tốt, lớp cô chủ nhiệm luôn có tỉ lệ thi đỗ vào cấp 3 cao nhất trường. Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, cô hướng dẫn cho 2 lớp 9 cô dạy (9A1, 9A6) tham gia viết bài cho cuộc thi “ Hà Nội trong trái tim em ”. Kết quả 2 học sinh Nguyễn Thu Thủy và Lê Hoàng Nam đạt giải 2 và 3 thành phố.
Không chỉ là một người giáo viện tận tụy với nghề, cô Ánh Ngọc còn là một người con dâu, một người vợ, một người mẹ hết lòng với gia đình. Hoàn cảnh gia đình cô cũng khá đặc biệt. Nhưng cũng chính hoàn cảnh đó lại càng cho chúng tôi thấy rõ được bản lĩnh,ý chí của người phụ nữ, người giáo viên ấy. Từ năm 2008, chồng cô bị ốm, đến 2010 thì chuyển sang suy thận nặng, phải lọc máu 3 lần/ tuần. Cô và gia đình choáng váng. Lúc đó cô đang chủ nhiệm lớp 6 bán trú và dạy văn lớp 9. Lớp bán trú làm tốt cũng là một cách xây dựng uy tín cho trường. Lớp 6 bán trú, các con mới vào trường còn bỡ ngỡ, phụ huynh thì rất lo lắng việc con mình ăn ngủ tại trường có đảm bảo sức khỏe không. Đó cũng là mối quan tâm của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm. Cô đã dạy các con từ cách ăn, cách ở. Ví dụ: trước khi ăn phải mời thầy cô, khi nào ăn buffett thì phải biết nhường nhau để xứng đáng là học sinh thanh lịch. Khi vào lớp ngủ thì xếp dép ngay ngắn ở ngoài, trước đó, cô đã lau sàn lớp sạch sẽ để không khí trong lớp luôn thơm mát. Mùa đông, các con được thay một đôi tất sạch để đi ngủ, mùa hè được phát giấy ướt để lau chân trước khi lên giường. Trước khi ngủ, các con được nghe 1 truyện ngắn trong “Quà tặng cuộc sống”. Và có hôm cô đề nghị 1 học sinh tự chuẩn bị để đọc cho lớp thay vì nghe cô giáo kể suốt… Có thể quý vị sẽ thấy rằng giống bảo mẫu nhà trẻ quá nhưng thực sự rất hiệu quả. Cô luôn tâm niệm: đã nhận công tác rồi thì phải hoàn thành, không thể lấy bất cứ lý do gì để trốn tránh trách nhiệm cả. Ở lớp 8, cô được phân công dạy môn công dân. Cô luôn yêu cầu học sinh dựng các tình huống có trong bài học. Lớp 9, cô yêu cầu các em làm và trình bày tập san, thuyết trình về các tác giả, tác phẩm có trong chương trình học. Mỗi chương trình cô đều yêu cầu lần lượt em nào cũng phải nói trước lớp. Như vậy sẽ giúp các em tự tin, để chuẩn bị tâm lý thi cử tốt. Các em sẽ không bị lúng túng, mạnh dạn đóng góp ý kiến cho bài học. Cô luôn động viên các em phát biểu tạo nên những cuộc tranh luận thú vị trong giờ học làm cho các em thêm hứng thú với môn Văn. Quả thật để làm được như vậy cực kỳ vất vả, đòi hỏi một tình yêu với nghề vô cùng bền bỉ!
Nhà cô neo người, mẹ chồng già yếu, nên khi chồng cô nằm viện cấp cứu, chỉ có 3 mẹ con. Con gái lớn đang bận làm đồ án tốt nghiệp, con thứ 2 đang ôn thi đại học, cô trực ở bệnh viện từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau liên tục hàng tháng trời. Trong thời gian chồng cô nằm viện, trường chúng tôi 2 lần đón đoàn thanh tra của phòng Giáo dục và sở Giáo dục, cả 2 lần cô đều phải mang máy tính vào làm việc trong bệnh viện. Kết quả dự giờ hai lần đó đều được đánh giá là rất tốt. Năm học 2011- 2012, tôi được phân công làm chuyên đề HĐNGLL của quận, do thầy Đào Hoài Văn phụ trách. Lúc đó, chồng cô vừa được thay ghép thận, vẫn đang nằm ở bệnh viện. Nhưng vượt lên trên hoàn cảnh cô vẫn cố gắng hoàn thành tốt tất cả những nhiệm vụ được giao. Ngoài ra các công tác khác mà nhà trường phân công cô đều hoàn thành tốt. Cô cũng luôn cố gắng học tập để trau dồi kiến thức chuyên môn. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2011 – 2012, cô tham gia thi nâng ngạch công chức cao cấp và đạt số điểm rất cao.
Chúng tôi - những giáo viên trẻ của trường THCS Thanh Quan cảm thấy thật khâm phục tấm gương nghị lực, tâm huyết của cô giáo Nguyễn Ánh Ngọc.Có những con người như cô càng giúp chúng tôi thêm động lực để thêm yêu nghề giáo,trọn đời thủy chung,son sắt với nghề:
“Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bổng